[SSI 02.2023] Báo cáo chiến lược 2023 | CHỌN LỌC CƠ HỘI

TỔNG QUAN
Năm 2023 sẽ là năm then chốt để thử thách nền tảng sức mạnh của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng GDP ở mức 6,2% cho năm nay, đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh xu hướng kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể. Cụ thể, Chính phủ đã mở rộng chính sách tài khóa và khu vực kinh tế tư nhân đang thu hút FDI. Chính sách tiền tệ có thể duy trì thận trọng, nhưng không tích cực như năm 2022. Nhu cầu toàn cầu chậm lại vẫn là rủi ro lớn trong ngắn hạn, nhưng đáng quan tâm hơn sẽ là rủi ro thanh khoản và các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023: Chọn lọc cơ hội

  • Sau những biến cố trong năm 2022, TTCK Việt Nam bước sang năm 2023 với các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen: Một điểm tích cực mà chúng tôi nhận thấy là thị trường đã phản ánh khá nhiều rủi ro, bao gồm cả rủi ro định giá lại trong chu kỳ lãi suất tăng, cũng như triển vọng tăng trưởng kém khả quan hơn cho năm 2023. P/E thị trường dự phóng cho năm 2023 là 9,2 lần (tính tại ngày 30/12/2022), thấp hơn 35% so với mức P/E trung bình của thị trường là 14,16 lần trong giai đoạn 2009- 2022. Một điểm cộng quan trọng khác cho năm 2023 là đồng VND có thể sẽ ổn định hơn trong năm nay. Ngược lại, rủi ro về thanh khoản vẫn tồn tại xuyên suốt trong năm, do áp lực lớn đến từ lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến hạn. Lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ quay đầu với tốc độ khá chậm. Do đó thị trường bất động sản vẫn sẽ đối mặt với khó khăn kéo dài. Mặt khác, kì vọng được đẩy lên cao khi Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, cụ thể là chuyển biến tích cực từ quá trình sửa đổi Nghị định 65, nhưng đây cũng không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết được
  • Với kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng chỉ số VNIndex tăng 15% vào cuối năm 2023, cao hơn so với ước tính tăng trưởng lợi nhuận là 13,8% cho năm nay (vùng điểm mục tiêu của VNIndex là 1.160 vào cuối năm). Mặc dù vậy, sẽ có những giai đoạn trong năm chỉ số có thể ghi nhận vùng điểm cao hơn so với ngưỡng mục tiêu kể trên. Với những động thái chủ động và quyết liệt của Chính phủ để đối phó với các thách thức vĩ mô, chúng tôi kỳ vọng TTCK trong năm 2023 sẽ khả quan hơn nếu so sánh với năm 2022, nhưng còn quá sớm để trở nên quá lạc quan về khả năng bứt phá mạnh của thị trường. Các giả định chính của chúng tôi liên quan đến thị trường bao gồm: (i) Về thị trường TPDN, rủi ro vỡ nợ vẫn tồn tại – đặc biệt đối với các tổ chức phát hành có quy mô nhỏ. (ii) Các tổ chức phát hành lớn trên thị trường TPDN có thể vẫn đứng vững trước rủi ro vỡ nợ nhưng vẫn cần được theo dõi chặt chẽ. (iii) Quá trình thanh lọc thị trường/ xử lý các sai phạm vẫn tiếp diễn nhưng sẽ không ảnh hưởng quá mạnh mẽ đến thị trường như trong năm 2022.
  • TTCK sẽ có 3 chủ đề nổi bật trong năm: (i) Đầu tư công; (ii) Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn; (iii) Dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vẫn luôn là chất xúc tác cho thị trường trong vài năm nay, tuy nhiên mức độ giải ngân thực tế là khá chậm so với kế hoạch. Vẫn còn khoảng 15 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2023 vẫn chưa được giải ngân. Bộ Tài chính đã công bố kế hoạch ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2023 ở mức 726 triệu tỷ đồng (khoảng 30,5 tỷ USD, cao hơn mức kế hoạch đã sửa đổi cho năm 2022 là 27,2 tỷ USD). Câu chuyện thứ hai là kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại. Khách du lịch Trung Quốc chiếm 32% lưu lượng khách hàng không quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019, trong khi Trung Quốc là điểm đến du lịch lớn nhất của người dân Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng lượng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ phục hồi dần dần từ Q2.2023. Lượng khách quốc tế vào năm 2024 có thể vượt mức của năm 2019, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn của ngành hàng không Việt Nam.
  • Chúng tôi đánh giá thị trường sẽ biến động mạnh theo cả 2 chiều do thanh khoản dự kiến duy trì ở mức thấp (chúng tôi giả định GTGD bình quân của thị trường sẽ giảm 25% trong năm 2023). Với thanh khoản ở mức thấp, khi có dòng tiền lớn xuất hiện như dòng tiền từ khối ngoại, thị trường có thể đảo chiều nhanh chóng. Khối ngoại bắt đầu mua ròng mạnh kể từ tuần thứ 2 của tháng 11 và đây là động lực chính cho diễn biến tích cực của thị trường từ thời điểm đó cho đến nay. Tuy nhiên, có thể vẫn còn quá sớm để kết luận rằng TTCK Việt Nam có thể bứt phá mạnh trở lại trong cả năm nay trước khi suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu tác động đến Việt Nam (và trước khi tất cả các thách thức vĩ mô dịu bớt). Các đợt hồi phục ngắn hạn của thị trường có thể sẽ dựa trên kỳ vọng về khả năng “hạ cánh mềm” của các nền kinh tế trên thế giới cũng như các rủi ro vĩ mô trong nước hạ nhiệt, trong khi định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn cho tầm nhìn dài hạn.
  • Do đó, chúng tôi cho rằng sẽ có những cơ hội tốt để MUA cho mục tiêu dài hạn trong những thời điểm thị trường chịu tác động tiêu cực từ các biến số rủi ro.

Chi tiết báo cáo, anh chị có thể download bên dưới

Trien vong TTCK Viet Nam 2023_2023_02_03_SSIResearch

Nguồn: SSI
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này, Bản quyền thuộc về SSI. X-TEAM trích đăng báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. X-TEAM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.

Sau đây, mời bạn 

MỞ TÀI KHOẢN chứng khoán
Sử dụng dịch vụ: TƯ VẤN CHUYÊN SÂU

Trả lời