Cách xem bảng giá chứng khoán cho người mới bắt đầu (P1)

Bảng giá chứng khoán điện tử là một công cụ quan trọng trong việc theo dõi và đầu tư vào thị trường chứng khoán. Được trình bày qua các thông tin và màu sắc phong phú, nó cung cấp cái nhìn tổng quan về sự biến động của giá cổ phiếu và hoạt động thị trường trong thời gian thực. Bài viết này sẽ giới thiệu cách sử dụng bảng giá chứng khoán điện tử và giải thích ý nghĩa của các cột chính trên nó. Hãy cùng khám phá cách xem bảng chứng khoán điện tử để hiểu rõ hơn về thị trường chứng khoán và đưa ra các quyết định đầu tư một cách thông minh.

1. Bảng giá chứng khoán điện tử là gì?

Bảng giá chứng khoán điện tử là một công cụ hoặc giao diện trực tuyến cung cấp thông tin về giá cổ phiếu và giao dịch trên thị trường chứng khoán. Nó giúp nhà đầu tư và người theo dõi thị trường có thể theo dõi các thông tin quan trọng về giá cổ phiếu, khối lượng giao dịch, sự biến động của thị trường và nhiều thông tin khác.

Thông qua bảng chứng khoán điện tử, người sử dụng có thể xem được danh sách các mã cổ phiếu, giá mua và giá bán hiện tại, khối lượng giao dịch, biểu đồ giá cổ phiếu theo thời gian thực, và nhiều thông tin khác để đưa ra quyết định đầu tư hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Bảng giá chứng khoán điện tử thường được cung cấp bởi các sàn giao dịch chứng khoán qua các trang web, ứng dụng di động hoặc phần mềm giao dịch.

Nó giúp tạo điều kiện minh bạch và thuận tiện cho các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán và quản lý đầu tư của họ.

2. Thông tin cơ bản của bảng giá chứng khoán điện tử

Các thông tin tổng hợp bao gồm: Tổng KLGD, Tổng GTGD, giá trị của chỉ số VN Index, VN30 Index, phiên khớp lệnh, khối lượng và giá trị khớp lệnh của từng đợt khớp lệnh.

  • Tổng KLGD (Tổng Khối Lượng Giao Dịch): Đây là tổng số cổ phiếu đã được giao dịch trong phiên giao dịch. Thông tin này thể hiện khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán.
  • Tổng GTGD (Tổng Giá Trị Giao Dịch): Là tổng giá trị của tất cả các giao dịch cổ phiếu trong phiên đó. Được tính bằng cách nhân giá cổ phiếu với số lượng cổ phiếu được giao dịch.
  • Giá Trị Chỉ Số VN Index và VN30 Index: Hiển thị giá trị của chỉ số chứng khoán VN Index và VN30 Index tại thời điểm đó. Chúng thường được sử dụng để đo lường sự biến động của thị trường chứng khoán.
  • Phiên Khớp Lệnh: Phiên giao dịch được chia thành các đợt khớp lệnh. Thông tin này sẽ cho biết bạn đang xem thông tin của đợt khớp lệnh nào trong phiên giao dịch (thường được chia thành Đợt 1, Đợt 2, Đợt 3).
  • Khối Lượng và Giá Trị Khớp Lệnh Của Từng Đợt Khớp Lệnh: Thông tin này sẽ liệt kê số lượng cổ phiếu và giá trị giao dịch của từng đợt khớp lệnh trong phiên. Điều này cho phép nhà đầu tư theo dõi sự biến động giá và khối lượng giao dịch của các đợt khớp lệnh cụ thể trong phiên.

3. Ý nghĩa 8 cột chính trong bảng giá chứng khoán điện tử

  • “Mã CK” (Mã chứng khoán)

Mã chứng khoán là mã giao dịch của các công ty cổ phần niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh.

  • “ĐCGN” (Giá tham chiếu)

ĐCGN là giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất trước đó trừ các trường hợp đặc biệt.

  • “Trần” (Giá trần)

Là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Giá trần là mức giá tăng thêm 7% so với giá tham chiếu.

  • “Sàn” (Giá sàn)

Là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Giá sàn là mức giá giảm 7% so với giá tham chiếu.

  • “Dư mua”

Là hệ thống cột biểu thị 03 mức giá đặt mua tốt nhất (giá đặt mua cao nhất) và khối lượng đặt mua tương ứng. Ý nghĩa cụ thể từng cột như sau:

– Cột “Giá 1” và “KL 1”: Biểu thị mức giá đặt mua cao nhất hiện thời và khối lượng đặt mua tương ứng với mức giá đó. Những lệnh đặt mua ở mức “Giá 1” luôn được ưu tiên thực hiện trước so với những lệnh đặt mua khác.

– Cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị các lệnh đặt mua ở mức “Giá 2” và “KL 2”. Lệnh đặt mua ở mức “Giá 2” có độ ưu tiên chỉ sau lệnh đặt mua ở mức “Giá 1”.

– Tương tự như vậy, cột “Giá 3” và “KL 3” là cột mà các lệnh đặt mua ở mức giá này chỉ xếp hàng ưu tiên sau lệnh đặt mua ở mức “Giá 2”.

  • “Dư bán”

Là hệ thống cột hiển thị ba mức giá chào bán tốt nhất (giá chào bán thấp nhất) và khối lượng tương ứng với các mức giá đó. Ý nghĩa cụ thể từng cột như sau:

–  Cột “Giá 1” và “KL 1”: Biểu thị mức giá chào bán thấp nhất hiện thời và khối lượng chào bán tương ứng với mức giá đó. Những lệnh chào bán ở mức “Giá 1” luôn được ưu tiên thực hiện trước so với những lệnh chào bán khác.

–  Cột “Giá 2” và “KL 2”: Biểu thị các lệnh chào bán ở mức “Giá 2” và “KL 2”. Các lệnh chào bán ở mức “Giá 2” có độ ưu tiên chỉ sau lệnh chào bán ở mức “Giá 1”.

Tương tự như vậy, cột “Giá 3” và “KL 3” là cột mà các lệnh chào bán ở mức giá này chỉ xếp hàng ưu tiên sau lệnh chào bán ở mức “Giá 2”.

  • Lưu ý:

– Hệ thống cột “Dư mua”/ “Dư bán” chỉ hiện thị ba mức giá mua/giá bán tốt nhất. Ngoài ba mức giá mua/giá bán trên, thị trường còn có các mức giá mua/giá bán khác nhưng không tốt bằng ba mức giá thể hiện trên màn hình.

– Khi có lệnh ATO hoặc ATC thì các lệnh này sẽ hiển thị ở vị trí của cột “Giá 1” và “KL 1” của bên “Dư mua” hoặc “Dư bán”.

– Trong đợt giao dịch khớp lệnh liên tục (đợt 2), cột “Dư mua”/“Dư bán” biểu thị những lệnh đang chờ khớp. Kết thúc ngày giao dịch, các cột “Dư mua”/“Dư bán” biểu thị những lệnh không được thực hiện trong ngày giao dịch.

Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo bài viết về nội dung: Giờ giao dịch và các lệnh đặt trong chứng khoán cơ sở để bổ sung kiến thức về các lệnh đặt.

  • “Khớp lệnh”

Là hệ thống cột bao gồm các cột “Giá khớp”, “KLTH” và “+/-”. Trong thời gian giao dịch, ý nghĩa của các cột này như sau:

Trong đợt khớp lệnh định kì (Đợt 1 và Đợt 3):

– “KLTH” (Khối lượng thực hiện): Là khối lượng cổ phiếu dự kiến sẽ được khớp trong đợt giao dịch đó.

– “+/-” (Tăng/giảm giá): Là mức thay đổi giá dự kiến so với giá tham chiếu.

Trong đợt khớp lệnh liên tục (Đợt 2):

– Giá khớp”: Là giá thực hiện của giao dịch gần nhất.

– “KLTH” (Khối lượng thực hiện): Là khối lượng cổ phiếu được thực hiện của giao dịch gần nhất.

– “+/-” (Tăng/giảm giá): Là mức thay đổi của mức giá thực hiện mới nhất so với giá thực hiện của giao dịch liền trước đó.

Sau khi kết thúc ngày giao dịch, các cột trên có ý nghĩa như sau:

– “Giá khớp”: Là giá khớp lệnh của đợt giao dịch xác định giá đóng cửa.

– “KLTH” (Khối lượng thực hiện): Là khối lượng cổ phiếu đã được thực hiện trong toàn bộ ngày giao dịch.

–  “+/-” (Tăng/giảm giá): Là mức thay đổi của giá khớp lệnh đợt 3 so với giá tham chiếu.

  • Lưu ý:

Trên bảng giá trực tuyến, tất cả các cột thể hiện khối lượng sẽ là số lượng tính theo lô (1 lô = 10 cổ phiếu).

“TKL đã khớp”: Là tổng khối lượng đã khớp tính đến thời điểm hiện tại.

“KL NN mua”: Là tổng khối lượng mà nhà đầu tư nước ngoài mua.

“KL NN bán”: Là tổng khối lượng mà nhà đầu tư nước ngoài bán.

  • NN mua/ NN bán

NN Mua/NN bán là gì: Theo định nghĩa trong thị trường chứng khoán, NN Mua/NN bán được hiểu là khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đối với mã CK  nào đó.

Thị trường thường quy ước đơn vị tính như sau:

  • Đối với khối lượng sẽ quy ước:  đơn vị 10 cổ phiếu/CCQ.
  • Đối với giá sẽ quy ước: đơn vị 1000 đồng

……Còn tiếp!!!!

Tiếp đến, bạn cũng có thể

MỞ TÀI KHOẢN chứng khoán

Sử dụng dịch vụ: TƯ VẤN ĐẦU TƯ

Sử dụng dịch vụ: QUẢN LÝ TÀI SẢN

Trả lời