Những rủi ro khi đầu tư trái phiếu

Khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, NĐT sẽ gặp phải 4 loại rủi ro chính dưới đây:

  • Rủi ro tín dụng
  • Rủi ro thanh khoản
  • Rủi ro lãi suất
  • Rủi ro pháp lý

Chuyện gì xảy ra nếu tổ chức phát hành không trả được nợ?

Khi bạn đầu tư vào trái phiếu, bạn là chủ nợ của doanh nghiệp. Nếu mọi việc bình thường, bạn sẽ nhận gốc và lãi trái phiếu theo đúng cam kết của doanh nghiệp. Nếu không may doanh nghiệp không trả được nợ, doanh nghiệp sẽ phải ưu tiên thanh lý tài sản để trả cho các chủ nợ trước khi trả cho cổ đông. Những chủ nợ cho vay có tài sản bảo đảm sẽ được quyền yêu cầu doanh nghiệp thanh lý tài sản bảo đảm để trả nợ cho mình trước. Các chủ nợ cho vay không có tài sản bảo đảm sẽ chỉ được quyền ưu tiên trả nợ trước các cổ đông.

Rủi ro tín dụng: Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mất khả năng trả nợ gốc / lãi, nhà đầu tư có thể phải gánh chịu rủi ro thua lỗ. Do vậy, việc lựa chọn và đánh giá khả năng trả nợ của Tổ Chức Phát Hành đáng tin cậy là quan trọng nhất khi đầu tư trái phiếu.

Rủi ro thanh khoản là gì?

Rủi ro thanh khoản là rủi ro Nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng, hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu.

Trái phiếu thường có kỳ hạn dài. Nếu bạn đầu tư trái phiếu kỳ hạn dài nhưng có nhu cầu rút tiền trước hạn, hãy chắc chắn về khả năng bạn có thể rút tiền trước hạn, tính pháp lý cũng như là chi phí cho việc rút tiền trước hạn.

Giá trái phiếu biến động như thế nào?

Giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất, lãi suất tăng thì giá trái phiếu sẽ giảm. Sau khi đầu tư, nếu lãi suất tăng lên nhà đầu tư sẽ bị mất chi phí cơ hội có thể đầu tư ở mức lãi suất tốt hơn, đó chính là rủi ro lãi suất. Tuy nhiên, hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam có cấu trúc lãi suất thả nổi, do vậy khi lãi suất thị trường lên thì lãi suất trái phiếu cũng lên.

Do vậy, rủi ro lãi suất được hạn chế đáng kể. Đối với các trái phiếu có lãi suất thả nổi, lãi suất trái phiếu sẽ biến động theo sự biến động của lãi suất tham chiếu (quy định tại các điều kiện và điều khoản của trái phiếu). Trường hợp lãi suất tham chiếu giảm, Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có thể không đạt được mức lãi suất như kỳ vọng ban đầu khi mua trái phiếu. Tuy nhiên, lúc này mặt bằng lãi suất thị trường cũng giảm, trái phiếu thông thường luôn đảm bảo có một mức phần bù rủi ro cộng thêm so với lãi suất tiền gửi.

Rủi ro pháp lý là gì?

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ (dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp) và thông tư 162/2015/TT-BTC đối với phát hành trái phiếu ra công chúng.

Nhà đầu tư nên lựa chọn đơn vị tư vấn và phân phối trái phiếu uy tín để đảm bảo trái phiếu được phát hành đúng luật và có thể tiếp cận thông tin trái phiếu một cách minh bạch.

 

 

Tiếp đến, bạn cũng có thể

MỞ TÀI KHOẢN chứng khoán
Sử dụng dịch vụ: TƯ VẤN ĐẦU TƯ
Sử dụng dịch vụ: QUẢN LÝ TÀI SẢN

Trả lời