Cập nhật Báo cáo tóm lược Thị trường – Mức giảm lợi nhuận doanh nghiệp Q3 chậm lại

Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam giảm 6% so với cùng kỳ
Nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong Q3/2023 khi GDP chỉ tăng 5,3%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng bình quân hàng quý trước dịch COVID-19 là 6,7% và thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua là 5,4%. Trong Q3/2023, tổng lợi nhuận thuần của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam giảm 6% so với cùng kỳ (dựa trên KQKD Q3/2023 tính đến ngày 15/11/2023 của 1.131 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, chiếm khoảng 92% tổng số doanh nghiệp niêm yết và chiếm 98% vốn hóa TTCK Việt Nam) nhưng tốc độ sụt giảm đã chậm lại một chút so với ba quý trước.

KQKD của các doanh nghiệp do HSC khuyến nghị chỉ giảm 1% so với cùng kỳ
Trong Q3/2023, tổng lợi nhuận thuần của 84 doanh nghiệp trong danh sách khuyến nghị của HSC (chiếm khoảng 70% tổng vốn hóa thị trường Việt Nam) chỉ giảm 1% so với cùng kỳ, đánh dấu quý thứ 4 trong 5 quý gần đây các doanh nghiệp do HSC khuyến nghị ghi nhận KQKD khả quan hơn so với thị trường chung. Đáng chú ý, phần lớn các doanh nghiệp trong danh sách khuyến nghị của HSC có quy mô lớn hơn và hoạt động lâu đời hơn với khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt hơn – các yếu tố quan trọng trong giai đoạn khó khăn.

KQKD chờ tín hiệu phục hồi trong năm 2024
Hầu hết các ngành kinh tế đều chịu tác động tiêu cực do nền kinh tế suy yếu trong Q3/2023, bao gồm các lĩnh vực lớn như Dịch vụ tiện ích, kinh doanh BĐS, Thực phẩm & Đồ uống và Hàng hoá & Dịch vụ công nghiệp. Các yếu tố này bao gồm: (1) số lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ do nhu cầu ở Mỹ và châu Âu suy yếu; (2) mặt bằng lãi suất tại Việt Nam cao hơn so với bình quân các năm gần đây làm tăng chi phí kinh doanh; và (3) lạm phát mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao và tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu dùng trong nước khiến hoạt động sản xuất giảm tốc.

Kể từ tháng 3/2023, NHNN đã bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất. Lãi suất cho vay đã đạt đỉnh trong Q2/2023 trước khi giảm dần trong Q3/2023. Ngoài nhu cầu tiêu dùng suy yếu, mặt bằng lãi suất cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng và cơ cấu lại nguồn vốn để giảm nợ vay và cải thiện sức khỏe tài chính. Chi phí lãi vay giảm sẽ giúp thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2024.

 

KQKD Q3/2023: Có sự trái chiều, nhưng nhìn chung ảm đạm hơn
Trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong Q3/2023, hơn 61% (11 trong tổng số 18) ngành theo phân loại ngành nghề của ICB ghi nhận KQKD giảm. Trong khi đó, chỉ có 7 ngành – bao gồm Dịch vụ tài chính (Chứng khoán), Bảo hiểm, CNTT, Dầu khí, Xây dựng & Vật liệu và Tài nguyên cơ bản – ghi nhận tăng trưởng. Lợi nhuận ngành Ngân hàng, chiếm khoảng 30% tổng vốn hóa thị trường

Việt Nam, giảm nhẹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn hóa lớn – chiếm hơn 80,5% tổng lợi nhuận thuần trong Q3/2023 của tất cả các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam – ghi nhận kết quả tích cực hơn so với các doanh nghiệp có vốn hóa cỡ vừa trong kỳ.

Chỉ 7 ngành ghi nhận lợi nhuận thuần tăng trong Q3/2023
Trong Q3/2023, chỉ có 7 trong số 18 ngành (theo định nghĩa của ICB) ghi nhận lợi nhuận tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là nhóm ngành có vốn hóa vừa. Trong khi KQKD của một số ngân hàng lớn cho thấy sự cải thiện, nhóm Ngân hàng nhìn chung chịu tác động không đáng kể; những doanh nghiệp vốn hóa lớn trong những ngành quan trọng ghi nhận KQKD giảm mạnh nhất bao gồm Thực phẩm & Đồ uống và kinh doanh BĐS. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ hơn trong ngành Hóa chất, Bán lẻ và Ô tô & Phụ tùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng

Lợi nhuận thuần Q3/2023 của một số nhóm ngành tăng trưởng mạnh nhất bao gồm: Tài nguyên cơ bản, Dầu khí, Dịch vụ tài chính (Chứng khoán), Bảo hiểm, Du lịch & Giải trí, CNTT và Xây dựng & Vật liệu. Trong khi đó, nền kinh tế suy yếu đã làm giảm mạnh lợi nhuận Q3/2023 của các nhóm ngành Hàng hóa & Dịch vụ Công nghiệp, Y tế, Thực phẩm & Đồ uống, Viễn thông, kinh doanh BĐS, Dịch vụ tiện ích, Hàng cá nhân & Đồ gia dụng, Ô tô & Phụ tùng, Bán lẻ và Hóa chất.

Trong Q3/2023, nhiều doanh nghiệp chứng khoán đã bắt đầu có lãi so với Q3/2022 nhờ TTCK phục hồi và mức nền rất thấp trong năm ngoái, theo đó chỉ số VN Index 9 tháng đầu năm 2023 tăng 11% và giá trị giao dịch bình quân tăng 35% so với quý trước.

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chịu áp lực nghiêm trọng trong Q3/2023 do nhu cầu trong nước và toàn cầu sụt giảm, thị trường tiêu dùng gặp khó khăn và khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế.

Cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ chịu tác động rõ rệt hơn
Tổng lợi nhuận thuần Q3/2023 của tất cả các công ty niêm yết trên sàn HSX, HNX và UPCoM đạt 102.501 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần đã cải thiện so với Q2/2023 (khi tổng lợi nhuận thuần giảm 11% so với cùng kỳ). Lợi nhuận của các doanh nghiệp có vốn hóa lớn giảm 3%, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong danh sách khuyến nghị của HSC chỉ giảm 1% (Bảng 4).

Trong Q3/2023, KQKD của các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ rất ảm đạm (Bảng 5) khi tổng lợi nhuận giảm 22% so với cùng kỳ, trong khi KQKD của các doanh nghiệp có vốn hóa lớn và vừa giảm ít hơn so với mức bình quân

Định giá TTCK vẫn hấp dẫn
Theo số liệu của Bloomberg về các cổ phiếu thành phần trong giỏ chỉ số VN Index, tổng lợi nhuận thuần trong Q3/2023 vẫn lớn hơn Q3/2021 và Q3/2020 nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với Q3/2022. Trong khi đó, tính đến ngày 15/11/2023, chỉ số VN Index đang giao dịch với P/E dự phóng 2023 là 11,8 lần, thấp hơn 1,3 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ ở mức 15,8 lần. Theo đó, định giá TTCK vẫn hấp dẫn trong ngắn hạn.

Trong trung và dài hạn, bội số của thị trường sẽ dần cải thiện khi KQKD hồi phục và nhà đầu tư dần nhận ra giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Lợi nhuận được dự báo sẽ phục hồi dần trong các quý còn lại của năm 2023 và trong năm 2024. Theo HSC, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn. Chúng tôi dự báo NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Theo các xu hướng trong quá khứ, khi chỉ số E/P cao hơn lãi suất huy động, kênh đầu tư chứng khoán sẽ dần trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi, đặc biệt khi lãi suất huy động bắt đầu giảm.

Đáng chú ý, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn hóa vừa và nhỏ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các doanh nghiệp có vốn hóa lớn hơn do lợi nhuận giảm mạnh. Tuy nhiên, theo các xu hướng trong quá khứ, khi tăng trưởng lợi nhuận dương trở lại, giá cổ phiếu của nhóm này thường sẽ tăng mạnh hơn so với các doanh nghiệp có vốn hoá lớn và cổ phiếu cũng trở nên hấp dẫn hơn.

Q3/2023: Các doanh nghiệp dẫn đầu/tụt hậu về tăng trưởng lợi nhuận

Tất cả các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn khó khăn, một số doanh nghiệp vẫn có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong Q3/2023 (Bảng 9). Phần lớn các doanh nghiệp này thuộc ngành kinh doanh BĐS, Dịch vụ tài chính (Chứng khoán), Thực phẩm & Đồ uống, Xây dựng & Vật liệu, Hàng hóa & Dịch vụ Công nghiệp, Bảo hiểm và Ngân hàng.

Các doanh nghiệp trong danh sách khuyến nghị của HSC
Các doanh nghiệp do HSC khuyến nghị ghi nhận KQKD trong kỳ tích cực hơn một chút so với thị trường chung với lợi nhuận thuần giảm 1% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận thuần của tất cả các doanh nghiệp niêm yết giảm 6%.

 

Nguồn: Research HSC
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này, Bản quyền thuộc về CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), được HSC hoặc một trong các chi nhánh viết và phát hành để phân phối tại Việt Nam và nước ngoài; phục vụ cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là khách hàng của HSC. X-TEAM trích đăng báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. X-TEAM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.

Sau đó, mời bạn 

MỞ TÀI KHOẢN chứng khoán
Sử dụng dịch vụ: TƯ VẤN CHUYÊN SÂU
Sử dụng dịch vụ: QUẢN LÝ TÀI SẢN

Trả lời