Cập nhật VIB – Triển vọng hồi phục rõ ràng; duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng

Sự kiện: Phân tích KQKD năm 2023 và triển vọng tương lai

LNTT năm 2023 đạt 10,7 nghìn tỷ đồng; tăng trưởng 1% so với cùng kỳ và bằng 99% dự báo của HSC. LNTT, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi nói chung sát với ước tính của chúng tôi. Tuy nhiên, chi phí tín dụng cao hơn dự báo (HSC đã dự báo thận trọng) trong khi chi phí huy động thấp hơn dự báo.

 

Tác động: Giảm bình quân 12% dự báo lợi nhuận năm 2024-2025

Trong thời gian tới, HSC dự báo tăng trưởng tín dụng của VIB sẽ chậm lại và Ngân hàng sẽ tập trung vào xử lý nợ xấu nhằm giữ vững chất lượng tài sản – một động thái chúng tôi đánh giá là tích cực. Tóm lại, HSC giảm bình quân 12% dự báo lợi nhuận cho năm 2024-2025 sau khi nâng giả định chi phí tín dụng mặc dù giảm giả định chi phí hoạt động. Chúng tôi đồng thời đưa ra dự báo lần đầu cho năm 2026. Theo dự báo mới – thấp hơn một chút so với bình quân thị trường cho năm 2024-2025 nhưng cao hơn 14% cho năm 2026 – lợi nhuận thuần 3 năm tăng trưởng với tốc độ CAGR 22,5%.

Định giá và khuyến nghị

Giá cổ phiếu VIB đã tăng 5% so với đầu năm (tăng 12% trong 3 tháng qua) so với mức tăng bình quân 8% của nhóm NHTM tư nhân. Theo đó, hiện VIB có P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,07 lần; thấp hơn 0,6 độ lệch chuẩn so với bình quân từ năm 2017 nhưng cao hơn 6% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân (1,01 lần). HSC thấy rằng P/B trượt dự phóng 1 năm của VIB đã đi ngang thời gian khá dài kể từ khi thiết lập đáy vào tháng 7/2022. So với các NHTM tư nhân khác, định giá của VIB thường cao hơn khoảng 10% trong vòng 6 tháng qua.

HSC vẫn ưa thích VIB nhờ chiến lược tập trung vào khách hàng cá nhân, tỷ suất lợi nhuận cao, rủi ro cho vay tập trung thấp. Tuy nhiên, chất lượng tài sản của Ngân hàng hiện bị suy giảm (tỷ lệ nợ xấu khoảng 3%) cùng với sự suy yếu của thị trường BĐS và nhu cầu tín dụng là điều chúng tôi cảm thấy quan ngại. Tuy nhiên, cổ phiếu có thể được định giá lại ở mặt bằng cao hơn nếu tình hình vĩ mô cải thiện, gồm chính sách tiền tệ lỏng & nền kinh tế tăng trưởng trở lại, từ đó tác động tích cực đến tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng. Và những điều này sẽ cần có thời gian để thể hiện tác động tích cực lên KQKD của VIB.

Trong thời gian tới, với kỳ vọng vào sự hồi phục của phân khúc khách hàng cá nhân/cho vay mua nhà, chiến lược dài hạn hướng cho vay vào lĩnh vực sản xuất và hệ số ROE cao trên 25% trong giai đoạn 2025-2026; VIB xứng đáng được định giá cao hơn so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. Tại giá mục tiêu mới, P/B dự phóng năm 2024 là 1,35 lần; cao hơn 16% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân (1,16 lần). HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng.

Triển vọng lợi nhuận tích cực mặc dù chi phí tín dụng tăng

Sau khi phân tích KQKD năm 2023, HSC giảm bình quân 12% dự báo lợi nhuận thuần cho năm 2024-2025 và đưa ra dự báo lần đầu cho năm 2026; chủ yếu do nâng giả định chi phí tín dụng mặc dù hạ giả định chi phí hoạt động. VIB có thể sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng thận trọng hơn và tiếp tục xử lý nợ xấu nhằm giữ vững chất lượng tài sản. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận vẫn tốt với lợi nhuận thuần 3 năm dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 22,5% và hệ số ROE bình quân 3 năm đạt khoảng 25%.

Phân tích KQKD năm 2023: Sát dự báo

VIB công bố LNTT Q4/2023 đạt 2.378 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ với chi phí dự phòng cao, ở mức 1.693 tỷ đồng (tăng 379% so với cùng kỳ và cao hơn dự báo của HSC ở mức 580 tỷ đồng) trong khi tín dụng tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ (sát dự báo) và tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 25% so với cùng kỳ (sát dự báo). LNTT năm 2023 đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ và bằng 99% dự báo của chúng tôi.

Dưới đây là phân tích của HSC đối với những chỉ tiêu tài chính chủ chốt:

  • Tăng trưởng cho vay: Cho vay khách hàng tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ đạt 266 nghìn tỷ đồng (Biểu đồ 2); nhờ vào cho vay khách hàng doanh nghiệp (tăng trưởng 50,1% so với cùng kỳ) trong khi cho vay khách hàng cá nhân chỉ tăng trưởng 8,2% so với cùng kỳ đạt 233 nghìn tỷ đồng (nhờ cho vay mua nhà tăng trưởng 8,2% so với cùng kỳ). Tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân đạt 83% so với 87% tại thời điểm cuối năm 2022.

HSC thấy rằng VIB đang dần nâng tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp, bao gồm DNNVV trong lĩnh vực thương mại & sản xuất. Theo chúng tôi, việc cân bằng hơn giữa cho vay khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân sẽ giúp HĐKD của VIB ổn định hơn trước các rủi ro vĩ mô (như năm 2022).

  • Tỷ lệ NIM: đạt 4,81%; giảm 8 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 1 điểm cơ bản so với cùng kỳ) với lợi suất gộp giảm 43 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 100 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và chi phí huy động giảm 33 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 133 điểm cơ bản so với cùng kỳ). VIB đã duy trì được tỷ lệ NIM cao (nhờ tập trung vào khách hàng cá nhân) dựa trên môi trường lãi suất thuận lợi hơn (Biểu đồ 5); và HSC vẫn lạc quan về triển vọng tỷ lệ NIM của VIB trong thời gian tới.

Thu nhập lãi thuần đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ trong Q4/2023 và đạt 17,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 16% so với cùng kỳ) trong cả năm 2023.

  • Lãi thuần HĐ dịch vụ: tăng trưởng 2% so với cùng kỳ đạt 860 tỷ đồng với tác động tích cực từ thu nhập dịch vụ khác (tăng 114% so với cùng kỳ) tăng bị triệt tiêu vì thu nhập dịch vụ thanh toán (đi ngang so với cùng kỳ) và thu nhập bancassurance (giảm 48% so với cùng kỳ). Chúng tôi thấy rằng phí bancassurance sẽ hồi phục kể từ năm 2024 khi nền kinh tế hồi phục.
  • Tỷ lệ nợ xấu: giảm còn 3,14% từ nền rất cao là 3,68% tại thời điểm cuối Q3/2023. Hệ số LLR tăng lên 51% từ 41% tại thời điểm cuối Q3/2023. VIB đã xóa một lương lớn nợ xấu là 1,1 nghìn tỷ đồng trong Q4/2023 (so với 1,2 nghìn tỷ đồng trong Q3/2023); cho thấy nỗ lực tích cực của Ngân hàng trong việc nâng cao chất lượng tài sản.
  • Chi phí dự phòng: tăng 379% so với cùng kỳ lên 1.693 tỷ đồng; theo đó chi phí tín dụng Q4/2023 là 2,78% (so với 2,76% trong Q3/2023 và 0,63% trong Q4/2022).
  • Hệ số ROE: đạt 24,5% so với 29,7% trong năm 2022. Đây vẫn là kết quả tích cực vì năm 2023 là một năm khó khăn đối với một NHTM tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng như VIB.

Nói chung, KQKD năm 2023 sát dự báo của chúng tôi. Trong đó, Ngân hàng đã chủ động xóa nợ xấu nhằm nâng cao chất lượng tài sản trong khi vẫn giữ được lợi nhuận tích cực dựa trên tập khách hàng lớn, tỷ lệ NIM cao và lãi thuần HĐ dịch vụ khả quan.

Dự báo mới

Với KQKD năm 2023 khả quan và triển vọng năm 2024-2025 gần như giữ nguyên, HSC giảm bình quân 12% dự báo lợi nhuận cho năm 2024-2025, đồng thời đưa ra dự báo lần đầu cho năm 2026. Theo dự báo mới, lợi nhuận 3 năm tăng trưởng tích cực với tốc độ CAGR 22,5%.

Những điều chỉnh chính trong giả định như sau:

  • Tăng trưởng cho vay: HSC duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm 2024/2025 tại 15%/16% và đưa ra dự báo 16% cho năm 2026. Nhu cầu vay mua nhà – lĩnh vực cho vay chủ chốt của VIB (chiếm tỷ trọng 45% trong tổng dư nợ cho vay) – sẽ hồi phục nhờ vào môi trường lãi suất thuận lợi hơn và triển vọng thị trường BĐS cải thiện.
  • Tỷ lệ NIM: Chúng tôi hạ giả định tỷ lệ NIM cho năm 2024 xuống còn 4,71% (từ 4,95%) và cho năm 2025 xuống còn 4,7% (từ 4,98%) và đưa giả định cho năm 2026 là 4,67%. HSC tin rằng tỷ lệ NIM của VIB sẽ có xu hướng giảm nhẹ khi Ngân hàng đa dạng hóa danh mục cho vay sang cho vay kinh doanh hộ gia đình & bán buôn, thường có tỷ lệ NIM thấp hơn so với cho vay mua nhà & cho vay mua ô tô. Chúng tôi đánh giá sự thay đổi căn bản này sẽ tích cực cho Ngân hàng trong dài hạn và tỷ lệ NIM bình quân 4,6-4,7% là mức khá tốt.
  • Lãi thuần HĐ dịch vụ: HSC giảm bình quân 11% giả định lãi thuần HĐ dịch vụ cho năm 2024-2025 và đưa ra dự báo lần đầu cho năm 2026. Trong đó, chúng tôi gần như giữ nguyên dự báo thu nhập HĐ dịch vụ cốt lõi nhưng điều chỉnh dự báo phí bancassurance trả trước ghi nhận vào giai đoạn 2024-2026 xuống 400 tỷ đồng/năm ghi nhận trong 10 năm từ 1.000 tỷ đồng/năm ghi nhận trong 4 năm như trong dự báo trước đây. VIB đã ký lại thỏa thuận bancassurance với Prudential vào tháng 6/2023, gia hạn thời gian hợp tác đến năm 2036 với tổng phí bancassurance trả trước là 3,5-4 nghìn tỷ đồng. Việc điều chỉnh giả định phí bancassurance trả trước ghi nhận hàng năm không làm thay đổi quan điểm của chúng tôi về triển vọng thu nhập từ bancassurance của VIB.

Lãi thuần HĐ dịch vụ năm 2023-2026 dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 26,9% nhờ dịch vụ giao dịch và mảng kinh doanh thẻ (tăng trưởng 25%/năm) và thu nhập từ phí hoa hồng bancassurance hồi phục (tăng trưởng 30%/năm từ nền thấp năm 2023).

  • Chi phí hoạt động: HSC giảm bình quân 7% giả định chi phí hoạt động cho năm 2024-2025 và đưa ra giả định cho năm 2026. Chi phí hoạt động 3 năm (năm 2023-2026) tăng với tốc độ CAGR khoảng 16%; tương đương tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng (15-16%). Hiện VIB đang giảm tốc độ tăng trưởng tài sản nên việc mở thêm chi nhánh/tăng thêm nhân viên sẽ được kiểm sát chặt chẽ hơn.
  • Nợ xấu: Chúng tôi nâng giả định tỷ lệ nợ xấu cho năm 2023 lên 2,6% (từ 2%) và cho năm 2024 lên 2,2% (từ 1,7%); đồng thời đưa ra giả định tỷ lệ nợ xấu năm 2025 là 1,8%.
  • Chi phí dự phòng: HSC nâng 126% giả định chi phí dự phòng năm 2023 lên 4,5 nghìn tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ) và nâng 90% giả định cho năm 2025 lên 4,3 nghìn tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ). Đồng thời, chúng tôi giả định chi phí dự phòng năm 2026 là 4,1 nghìn tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ).

Nâng giả định chi phí tín dụng cho năm 2024 lên 1,57% (từ 0,7%); cho năm 2025 lên 1,31% (từ 0,69%) và cho năm 2026 là 1,07%. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2023, chi phí tín dụng có thể sẽ quay về mặt bằng bình thường nhờ nhu cầu tín dụng tăng và mức độ rủi ro khách hàng giảm.

  • Cổ tức: HSC giả định VIB sẽ chi trả cổ tức tiền mặt 1.000đ/cp cho giai đoạn 2024-2026. Lợi suất cổ tức tại thị giá hiện tại là khoảng 4,8%.

Tóm lại, chúng tôi thấy có những tín hiệu tích cực đối với VIB sau năm 2023. VIB đã chứng tỏ khả năng ghi nhận lợi nhuận tốt trong năm 2023 (hệ số ROE đạt 24,5%) mặc dù phải trích lập dự phòng lớn. Như vậy, lợi nhuận có thể tăng trưởng tích cực trong vài năm tới khi môi trường vĩ mô & tín dụng thuận lợi hơn. Ngoài ra, sự chuyển đổi chiến lược (sang cho vay hoạt động bán buôn & kinh doanh hộ gia đình) trong thời gian tới được xem là bước đi hợp lý nhằm cải thiện rủi ro cho vay của Ngân hàng. Cuối cùng, lợi suất cổ tức 4-5% ở một NHTM là mức khá.

 

Nguồn: Research HSC

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này, Bản quyền thuộc về CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), được HSC hoặc một trong các chi nhánh viết và phát hành để phân phối tại Việt Nam và nước ngoài; phục vụ cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là khách hàng của HSC. X-TEAM trích đăng báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. X-TEAM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.

Sau đó, mời bạn 

MỞ TÀI KHOẢN chứng khoán

Sử dụng dịch vụ: TƯ VẤN CHUYÊN SÂU

Sử dụng dịch vụ: QUẢN LÝ TÀI SẢN

 

Trả lời