Cập nhật ACB – Triển vọng giữ nguyên; duy trì khuyến nghị Mua vào

Sự kiện: Đánh giá lại triển vọng
ACB công bố LNTT 9 tháng đầu năm 2023 tăng 11,3% so với cùng kỳ, cách hơi xa một chút kế hoạch tăng trưởng cả năm của Ngân hàng ở mức 17,2%. Tuy nhiên, kết quả 9 tháng sát với kỳ vọng của HSC với lãi mua bán trái phiếu tốt hơn dự báo bù đắp cho tỷ lệ NIM & chi phí hoạt động không được như dự báo.

HSC thấy rằng chất lượng tăng trưởng lợi nhuận của ACB trong năm nay chưa thực sự tốt vì tăng trưởng xuất phát từ những mảng khó dự đoán (chẳng hạn như lãi mua bán trái phiếu/lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối) thay vì các HĐKD cốt lõi như hoạt động cho vay & hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh vĩ mô khó khăn năm nay và nền cao trong năm 2022, chúng tôi vẫn đánh giá KQKD từ đầu năm của ACB là đáng khích lệ và cho thấy sự ổn định trong HĐKD của Ngân hàng.

Về triển vọng năm sau, HSC đánh giá môi trường hoạt động của ngành ngân hàng sẽ cải thiện khi nền kinh tế hồi phục, chi phí huy động/tỷ lệ NIM cải thiện và tỷ lệ nợ xấu giảm. Theo đó, với vị thế là một trong những NHTM tư nhân tốt nhất ở phân khúc khách hàng cá nhân, chúng tôi tin rằng ACB tiếp tục sẽ tăng trưởng tích cực.

Tác động: Duy trì dự báo cho năm 2023-2025
Với LNTT 9 tháng đầu năm 2023 sát kỳ vọng, HSC duy trì dự báo năm 2023-2025 (cao hơn 4% so với bình quân dự báo thị trường) với lợi nhuận thuần 3 năm tăng trưởng với tốc độ CAGR 15,6%. Lưu ý là theo dự báo, lợi nhuận thuần Q4/2023 tăng 33,4% so với cùng kỳ.

Định giá và khuyến nghị
Sau khi giảm 2% trong 3 tháng qua, hiện ACB có P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,05 lần; thấp hơn 0,9 độ lệch chuẩn so với bình quân từ đầu năm 2019 và cao hơn 13% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. Sau khi chuyển thời điểm định giá sang cuối năm 2024, HSC nâng giá mục tiêu lên 32.900đ, tương đương tiềm năng tăng giá 46,9% và P/B dự phóng năm 2024 là 1,51 lần. chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào. ACB dự kiến trả cổ tức tiền mặt 1.000đ/cp trong năm sau (tương đương lợi suất cổ tức 4,5%). Nói chung, ACB là một trong những lựa chọn hàng đầu của HSC trong số các NHTM khuyến nghị.

Lựa chọn hàng đầu với tiềm năng tăng giá 47%
KQKD của ACB 9 tháng đầu năm 2023 thể hiện sự ổn định trước nhiều khó khăn như chi phí huy động và tỷ lệ nợ xấu tăng. HSC tin rằng lợi thế cạnh tranh cốt lõi giúp ACB vượt qua được giai đoạn kinh tế khó khăn chính là tập khách hàng cá nhân chất lượng cao mà Ngân hàng đã tích lũy trong 3 thập kỷ qua. Chúng tôi kỳ vọng lợi thế này sẽ tiếp tục là nền tảng cho đà tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của Ngân hàng trong tương lai. HSC duy trì dự báo năm 2023-2025 với lợi nhuận thuần 3 năm tăng trưởng với tốc độ CAGR 15,6% (so với 17,5% của bình quân nhóm NHTM tư nhân). Duy trì khuyến nghị Mua vào với tiềm năng tăng giá tại giá mục tiêu mới là 47%.

Điều chỉnh một chút giả định nhưng giữ nguyên dự báo lợi nhuận thuần
Sau khi phân tích (1) KQKD 9 tháng đầu năm 2023, (2) diễn biến ở mặt bằng lãi suất, và (3) trao đổi của ban lãnh đạo tại cuộc họp về KQKD Q3/2023 diễn ra gần đây, HSC đã điều chỉnh một chút mô hình nhưng nói chung giữ nguyên dự báo lợi nhuận thuần cho năm 2023-2025.

Những điều chỉnh chính trong giả định của HSC được trình bày như dưới đây (và tóm tắt trong Bảng 1-2):
• Duy trì giả định tăng trưởng tín dụng cho năm 2023-2025 ở mức 14,5%/15%/15%. Tín dụng của ACB (Ngân hàng mẹ) tăng trưởng tích cực ở mức 8,2% trong 9 tháng đầu năm 2023; cao hơn bình quân ngành ở mức 6,9% nhưng thấp hơn các NHTM tư nhân lớn khác như TCB, VPB và MBB.

Tín dụng ở phân khúc khách hàng cá nhân (chiếm 64% tổng dư nợ tín dụng) tiếp tục hồi phục trong Q3/2023, tăng 4% so với quý trước. Tín dụng phân khúc khách hàng cá nhân tăng 7% so với đầu năm, chủ yếu nhờ cho vay kinh doanh hộ gia đình tăng mạnh 16% trong khi cho vay mua nhà chỉ tăng 5%. Về khách hàng doanh nghiệp, tín dụng ở phân khúc DNNVV (đóng góp 29% tổng dư nợ tín dụng) tăng 10% so với đầu năm và khách hàng doanh nghiệp lớn (đóng góp 7% tổng dư nợ tín dụng) tăng mạnh 16% so với đầu năm.

HSC kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ấm lên trong Q4/2023 và năm 2024 nhờ mặt bằng lãi suất cho vay giảm cộng với triển vọng kinh tế của Việt Nam tích cực hơn. Với lợi thế về chi phí huy động và tệp khách hàng mạnh, chúng tôi tin rằng tăng trưởng tín dụng tại ACB sẽ tích cực trong những quý tới.

• Giảm 22/5 điểm cơ bản giả định tỷ lệ NIM cho năm 2023-2024 xuống4,04%/4,15% trong khi giữ nguyên giả định cho năm 2025 ở mức 4,15%. Mặc dù
chi phí huy động giảm (giảm 54 điểm cơ bản so với quý trước), tỷ lệ NIM của ACB vẫn giảm trong Q3/2023 (giảm 15 điểm cơ bản so với quý trước) và thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi do Ngân hàng phải hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng gặp khó khăn và áp dụng lãi suất cạnh tranh nhằm thu hút thêm khách hàng mới. Ban lãnh đạo đã chia sẻ trong cuộc họp về KQKD Q3/2023 rằng tỷ lệ NIM có thể giảm tiếp 10-20 điểm cơ bản trong Q4/2023 nhưng chi phí huy động dự báo tiếp tục giảm và sẽ hỗ trợ tỷ lệ NIM. Hiện ACB đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thấp nhất trong số 18 NHTM HSC khuyến nghị là 4,6% (giảm 140 điểm cơ bản so với 3 tháng trước và giả 280 điểm cơ bản so với đầu năm). Trong trung hạn, ACB kỳ vọng duy trì được tỷ lệ NIM trên mức 4%.

• Nâng 234% giả định lãi mua bán trái phiếu cho năm 2023 lên 1.739 tỷ đồng trong khi gần như duy trì dự báo cho năm 2024-2025 lần lượt ở 408 tỷ đồng/490 tỷ đồng vì kết quả thực hiện Q3/2023 cao hơn đáng kể so với kỳ vọng. Lợi suất TPCP đã giảm đáng kể từ đầu năm, tạo ra cơ hội cho ACB ghi nhận mạnh lãi từ hiện thực hóa một phần danh mục TPCP trong năm nay. Cho năm 2024-2025, chúng tôi cho rằng Ngân hàng sẽ không ghi nhận nhiều lãi mua bán trái phiếu vì tin rằng lợi suất TPCP không còn nhiều dư địa giảm tiếp từ mặt bằng hiện tại.

• Nâng 50%/25% giả định thu nhập khác cho năm 2024-2025 sau khi nâng giả định thu nhập từ thu hồi nợ xấu vì nâng giả định nợ xấu và kỳ vọng thị trường BĐS sẽ tiếp tục hồi phục. HSC thấy rằng 98% tổng dư nợ của ACB tại thời điểm cuối Q3/2023 có tài sản đảm bảo (92% là BĐS) với tỷ lệ LTV là 54%. Trong dự báo sau điều chỉnh cho thu nhập khác năm 2023-2025 bao gồm chủ yếu là thu nhập từ thu hồi nợ xấu, lần lượt là 1.394 tỷ đồng/1.519 tỷ đồng/1.456 tỷ đồng; tương đương 0,32%/0,3%/0,25% dư nợ cho vay bình quân.

• Nâng 9,7%/11%/19,7% giả định chi phí dự phòng cho năm 2023-2025 vì nợ xấu/chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn ước tính của HSC. Tuy nhiên, chất lượng tài sản của ACB vẫn được kiểm soát rất tốt với tỷ lệ nợ nhóm 2/tỷ lệ nợ xấu tiếp tục thuộc nhóm thấp nhất trong số các NHTM chúng tôi khuyến nghị, lần lượt là 1,2%/0,81% (tương đương VCB). Tỷ lệ nợ xấu ở từng phân khúc khách hàng cá nhân/DNNVV/khách hàng doanh nghiệp lớn tại thời điểm cuối Q3/2023 lần lượt là 1,16%/1,07%/2%.

Ban lãnh đạo cho biết trong cuộc họp về KQKD Q3/2023 rằng tỷ lệ nợ xấu của ACB nhiều khả năng đã đạt đỉnh và Ngân hàng sẽ nỗ lực đưa tỷ lệ nợ xấu về 1% vào năm 2024. Đồng thời, Ngân hàng dự kiến chi phí dự phòng sẽ tương đương khoảng 0,5% dư nợ cho vay bình quân trong giai đoạn 2023-2024.

Biểu đồ 3-8 trình bày các dữ liệu và chỉ số chính thể hiện quan điểm của HSC đối với ACB.

Định giá và khuyến nghị
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với ACB và nâng 3,8% giá mục tiêu lên 32.900đ (tiềm năng tăng giá 46,9%) sau khi chuyển thời điểm định giá sang cuối năm 2024. Hiện ACB có P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,05 lần; thấp hơn 0,9 độ lệch chuẩn so với bình quân từ đầu năm 2019 và cao hơn 13% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân.

Kết luận và phương pháp định giá
HSC nâng 3,8% giá mục tiêu lên 32.900đ, chủ yếu sau khi chuyển thời điểm định giá sang cuối năm 2024. Tại giá mục tiêu mới, tiềm năng tăng giá là 46,9% và P/B dự phóng năm 2024 là 1,51 lần (so với 1,07 lần bình quân nhóm NHTM tư nhân) dựa trên: hệ số ROE dự phóng 3 năm ở mức 23,4% (so với 18,9% bình quân nhóm NHTM tư nhân) và lợi nhuận 3 năm tăng trưởng với tốc độ CAGR 15,6% (so với 17,5% bình quân nhóm NHTM tư nhân).

Kết quả định giá theo phương pháp thu nhập thặng dư được trình bày tóm tắt trong Bảng 9 dưới đây và kết quả phân tích độ nhạy đối với các đầu vào định giá chính được trình bày trong Bảng 10.

Bối cảnh định giá
Giá cổ phiếu đã giữ khá vững trong đợt bán tháo gần đây trên thị trường. So với đầu năm, giá cổ phiếu ACB tăng 18% so với mức tăng bình quân 22% của nhóm NHTM tư nhân và 9% của VN Index. Hiện ACB có P/B trượt dự phóng 1 năm là 1,05 lần; thấp hơn 0,9 độ lệch chuẩn so với bình quân từ năm 2019 ở mức 1,26 lần (Biểu đồ 11-12) và cao hơn 13% so với bình quân nhóm NHTM tư nhân. HSC tin rằng ACB xứng đáng được định giá cao hơn bình quân nhờ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực, chất lượng tài sản thuộc top đầu, và hệ số ROE dẫn đầu thị trường. Bênh cạnh đó, Ngân hàng còn có đội ngũ lãnh đạo có năng lực và tệp khách hàng cá nhân chất lượng cao.

Tóm lại, HSC duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của ACB trong trung hạn và cho rằng ACB xứng đáng là cổ phiếu được nắm giữ cốt lõi trong danh mục hầu hết NĐT.

 

Nguồn: Research HSC
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này, Bản quyền thuộc về CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), được HSC hoặc một trong các chi nhánh viết và phát hành để phân phối tại Việt Nam và nước ngoài; phục vụ cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là khách hàng của HSC. X-TEAM trích đăng báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. X-TEAM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.

Sau đó, mời bạn 

MỞ TÀI KHOẢN chứng khoán
Sử dụng dịch vụ: TƯ VẤN CHUYÊN SÂU
Sử dụng dịch vụ: QUẢN LÝ TÀI SẢN

Trả lời