(HSC Research) Kinh tế vĩ mô: Triển vọng tăng trưởng năm 2020 gặp khó khăn

Điểm nhấn chính:

  • Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 3/2020 và Q1/2020 công bố cho thấy tăng trưởng GDP thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, áp lực lạm phát giảm cộng với số liệu thương mại, FDI, bán lẻ, du lịch kém khả quan. Và tất cả những điều này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Số liệu vĩ mô

  • Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,82% so với cùng kỳ trong Q1/2020; là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ Q1/2009 (là 3,12%). Tăng trưởng giảm tốc diễn ra ở hầu hết các ngành.
  • CPI hạ nhiệt (tăng 0,34% so với đầu năm) trong Q1/2020 do nhu cầu yếu đi và giá năng lượng giảm trước sự bùng phát của dịch Covid-19. Chúng tôi kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp trong những tháng tới nhờ giá năng lượng và giá hàng hóa cơ bản tiếp tục ở mức thấp, theo đó NHNN có thêm dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ nhằm kích thích kinh tế.
  • Trong Q1/2020, hoạt động thương mại bị ảnh hưởng đáng kể của dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu tăng 0,5% so với cùng kỳ đạt 59,1 tỷ USD (Q1/2019 tăng 5,2% so với cùng kỳ) trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 1,9% so với cùng kỳ đạt 56,3 tỷ USD (Q1/2019 tăng 7,7% so với cùng kỳ). Cơ cấu kim ngạch thương mại cho thấy nông nghiệp, sắt thép, dệt may và sản xuất ô tô chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
  • Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Q1/2020 tăng trưởng kém nhất (tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm trước) kể từ Q1/2000 trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhu cầu trong nước yếu đi và du lịch sụt giảm mạnh. Việt Nam đã thực hiện cách ly xã hội trong 15 ngày từ 1/4/2020, nên chúng tôi cho rằng doanh số bán lẻ sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4 và thậm chí là cả những tháng sau đó. Chúng tôi cũng cho rằng lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ giảm ít nhất 50% trong năm 2020 trong khi tăng 16,2% trong năm 2019.

 

Điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP

  • Theo chúng tôi, những trở lực như tăng trưởng của nền kinh tế thế giới chững lại và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam gồm thương mại, sản xuất và dịch vụ tiếp tục gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Hiện chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 3,65%; thấp hơn 3,15 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
  • Kịch bản cơ sở của chúng tôi là Việt Nam sẽ khống chế hoàn toàn dịch Covid-19 vào cuối Q2/2020. Tuy nhiên sẽ phải mất thời gian lâu hơn thế để kinh tế thế giới hồi phục và dựa trên dự báo chung trên thị trường, chúng tôi giả định kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 0% đến -2% trong năm nay.
  • Nếu tình hình trở nên xấu đi với những giả định và khó khăn chúng tôi đưa ra kéo dài đến Q3/2020, tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam có thể rơi về 2,37%.

 

Thâm hụt ngân sách tăng lên mức 4,31% GDP

  • Tổng giá trị các gói kích thích tài khóa dành nền kinh tế hiện ước tính là 216 nghìn tỷ đồng (9,15 tỷ USD); tương đương 14,3% kế hoạch thu ngân sách năm 2020 và tương đương 3,6% GDP năm 2019. Với thu ngân sách giảm và chi ngân sách tăng; chúng tôi dự báo thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên 4,31% GDP trong năm 2020.

 

Xem toàn bộ báo cáo!

Nguồn: HSC Research

Trả lời